3/2/10

Nhớ vại dưa hành của mẹ!

Thời gian trôi qua thật nhanh, tết Nguyên Đán đã đến gõ cửa từng nhà. Thế là mình lại chuẩn bị được về với mẹ sau một năm đi học xa nhà.
Chỉ còn 10 ngày nữa là bước sang năm mới rồi nhỉ? Chiều nay, đứa em gái tôi gọi điện khoe với anh là hôm nay mẹ dạy em cách muối hành rồi đấy. Thế là tết đến thật rồi! Bỗng dưng tôi lại nhớ đến mình năm xưa, ngày cùng mẹ làm món dưa hành cho ngày têt.
Đối với mọi gia đình thì tết đến được báo hiệu như thế nào thì tôi không rõ, còn đối với nhà tôi thì không khí tết tràn ngập nhà tôi là khi mẹ bắt đầu làm dưa hành muối. Với mẹ, thì tết không thể không có món dưa hành muối.


Món dưa hành đã thành món ăn không thể thiếu trong ngày tết của mọi gia đình Việt và nhà tôi cũng vậy. Ngay từ xưa, món dưa hành đã được sánh ngang cùng với thịt lợn, bánh chưng và nó được đặt đối trọng với tràng pháo trong đôi câu đối ...
" Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh"
Hàng năm ngay từ những ngày 18, 19 tháng chạp mẹ đã đi chợ lựa những củ hành tươi ngon nhất về để muối. Mẹ không chọn củ to quá nhưng cũng không chọ củ bé quá mà chỉ chọn những củ vừa vừa to hơn củ kiệu chút xíu. Và chỉ chọn hành trắng chứ không chọn hành tía, hành tía hăng hơn và lâu chín hơn.
Đầu tiên, mẹ dùng nước vo gạo trắng ngần để ngâm hành trong vòng một đêm và cũng không quên bỏ vào một chút muối trắng. Sang sáng ngày hôm sau thì mới dùng nước lã để ngâm hành thay cho nước vo gao. Tiếp tục ngâm như vậy thêm một ngày nữa. Tôi nhớ có lần hỏi mẹ tại sau lại phải ngâm nhiều và lâu thế, mẹ bảo ngâm thế cho đỡ cay và để mai này bóc vỏ làm rễ cho nó dễ. Sau khi làm sạch vỏ và bỏ rễ, mẹ mới để ráo nước.
Tiếp theo sau đó là đun nước sôi để muối hành. Nước muối hành không được nóng quá và cũng không được lạnh quá. Nóng quá sẽ làm hành mau nhũn, không giòn còn nếu nước lạnh quá thì hành lâu chín. Vì vậy nước để muối hành phải là nước ấm thì hành mới giòn và mau chín. Tôi thấy mẹ thường dùng đầu ngón tay để thử độ ấm của nước. Khi nước đun sôi đã để nguội rồi, nêm muối ăn vừa miệng, cho một ít đường vào, sau đó cho hành, chèn hành ngập nước. Sau một tuần là có thể đánh chén (tuy nó vẫn còn hơi hăng và cay một chút xíu) Nhưng tầm 10 ngày thì tuyệt cú mèo luôn đấy.
Món hành muối là món ăn bình dị tuy nhiên nó lại trở thành món ăn thịnh hành không thể thiếu trong ngày tết.
Đĩa dưa hành trên mâm cơm mâm cỗ của mẹ, bao gì cũng được bóc nõn, cắt cái chùm rễ nhỏ, bỏ đi cái áo bên ngoài nên có tinh tươm, toả ra lời mời gọi mơ hồ... Với tôi món dưa hành nhỏ bé, rẻ tiền của mẹ đã làm nên cái thần của mâm cỗ ngày tết và đem đến không khí tết tràn ngập cho gia đình tôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét